Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

KHOA HỌC LUẬT SO SÁNH

Khái niệm

Để nắm bắt được khoa học luật so sánh, vấn đề có ý nghĩa quyết định là cần phải làm rõ khái niệm luật học so sánh là gì. Trong khoa học pháp lý, từ rất sớm các nhà nghiên cứu đã làm quen với khái niệm so sánh pháp luật, phương pháp so sánh pháp luật là một trong những phương pháp quan trọng của sự nhận thức các hiện tượng pháp luật. Khái niệm luật học so sánh bao gồm: việc nghiên cứu khối lượng các văn bản quy phạm pháp luật, việc sử dụng phương pháp so sánh trong quá trình tiến hành so sánh các hệ thống pháp luật. Đánh giá, sử dụng các phương thức phản ánh và tiếp nhận các yếu tố đó trong hệ thống pháp luật quốc gia hay hệ thống pháp luật quốc gia khác, khuynh hướng, quy luật phát triển chung của pháp luật.

Từ những phân tích trên có thể khái quát luật học so sánh là tổng thể các tri thức về việc nghiên cứu so sánh pháp luật nước ngoài.

Trong quá trình nghiên cứu về luật học so sánh cần phải phân biệt thuật ngữ luật học so sánh trên 3 nghĩa: là một khoa học, là một phương pháp và là một môn học.
Với tư cách là một phương pháp nghiên cứu khoa học, so sánh pháp luật là một trong những phương pháp quan trọng của việc nghiên cứu các hiện tượng pháp lý. Thông qua việc sử dụng phương pháp so sánh pháp luật mà chúng ta có khả năng làm sáng tỏ cái chung nhất, cái đặc thù và cái đơn nhất của các hệ thống pháp luật.
Với tư cách là một ngành khoa học, luật học so sánh là tổng thể những tri thức khoa học về các hệ thống pháp luật hiện hành được thể hiện trong các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả.
Với tư cách là một môn học, luật học so sánh là đối tượng giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật, dưới các mức độ khác nhau, cụ thể có thể ở dạng nhập môn luật học so sánh và cũng có thể ở dưới dạng một lĩnh vực cụ thể như luật hành chính so sánh, luật thương mại so sánh, luật hình sự so sánh…
Việc luật học so sánh có phải là một ngành khoa học hay không đã gây ra nhiều sự tranh cãi, tuy nhiên, trong thực tiễn cho thấy, ngày nay có những lĩnh vực, có những vấn đề, có những hệ thống pháp luật sẽ không thể được nghiên cứu có kết quả nếu không tiếp cận dưới góc độ so sánh pháp luật, chẳng hạn như việc nghiên cứu các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới; việc nghiên cứu những cơ sở xã hội, kinh tế, chính trị và truyền thống của sự ra đời và nội dung của các chế định pháp luật tương ứng trong hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau; việc nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của nước ngoài…. Tất cả điều đó nói lên rằng, luật học so sánh có những đặc điểm, dấu hiệu riêng của một môn khoa học, nó có đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của riêng mình.

Đối tượng nghiên cứu của luật học so sánh

Đối tượng nghiên cứu của luật học so sánh là nghiên cứu pháp luật nước ngoài, trên cơ sở đối chiếu các hệ thống pháp luật với nhau và với hệ thống pháp luật quốc gia, cụ thể:
– Những vấn đề phương pháp luận của việc so sánh trong pháp luật (lý luận về phương pháp so sánh pháp luật);
– Nghiên cứu so sánh các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới;
– So sánh các nguồn pháp luật của các hệ thống pháp luật trên thế giới;
– So sánh các chức năng và một số loại nghiên cứu pháp luật so sánh khác được định hướng về mặt xã hội học;
– Nghiên cứu so sánh pháp luật về mặt lịch sử.
Với đối tượng nghiên cứu bao gồm những vấn đề khái quát đã đưa ra ở trên cho thấy luật học so sánh là một khoa học. Khoa học luật so sánh được thể hiện trên 2 phương diện, cụ thể:
Thứ nhất, khoa học luật so sánh gắn liền việc sử dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu các chế định pháp luật và các vấn đề cụ thể của đất nước mà người nghiên cứu thuộc về đất nước đó. Trong trường hợp này, vấn đề pháp luật cụ thể được nghiên cứu trên cơ sở so sánh pháp luật rộng lớn hơn hoặc hẹp hơn. Thông thường việc so sánh này thường được tiến hành ở tầm vỹ mô, trong phạm vi của một lĩnh vực pháp luật cụ thể.
Thứ hai, thể hiện với tư cách là việc nghiên cứu mang tính tự trị, độc lập pháp luật nước ngoài ở mức độ các hệ thống pháp luật nói chung, ở mức độ các ngành pháp luật cụ thể và các chế định pháp luật cơ bản, việc nghiên cứu ở góc độ này cho phép xác định khuynh hướng phát triển của pháp luật.
Với đối tượng nghiên cứu rộng, luật học so sánh cung cấp cho người nghiên cứu những kết quả khoa học của riêng nó trên cả hai mặt: nhận thức – lý luận và ứng dụng – thực tiễn. Nó vừa là việc áp dụng phương pháp so sánh với tư cách là phương thức khoa học riêng, đặc thù của việc nghiên cứu, vừa là khuynh hướng của các nghiên cứu về pháp luật nói chung. Ở bình diện là khuynh hướng nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu của luật học so sánh là:
Những vấn đề phương pháp luận của nghiên cứu so sánh pháp luật (ở đây lý luận về phương pháp so sánh chiếm vị trí đặc biệt);
Việc nghiên cứu các hệ thống pháp luật cơ bản hiện nay trên thế giới;
Việc khái quát hóa và hệ thống hóa các kết quả của những nghiên cứu so sánh pháp luật cụ thể;
Việc soạn thảo các quy tắc phương pháp cụ thể và các quá trình của nghiên cứu so sánh pháp luật;
Việc nghiên cứu so sánh pháp luật về mặt lịch sử;
Việc nghiên cứu so sánh những vấn đề pháp lý quốc tế hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét